Hậu Tổ nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ

Cho đến nay, vẫn chưa có tài liệu khẳng định chính xác thời điểm ra đời nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT), chỉ biết ĐCTT đã có mặt trên vùng đất Nam Bộ từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Từ thuở ban đầu, ĐCTT đã phát triển mạnh mẽ, với hai nhóm tài tử miền Đông và miền Tây Nam Bộ, tạo nền móng để ĐCTT phát triển vượt bậc, thành loại hình âm nhạc dân gian độc đáo, mang tính thống nhất cao.

Ban ĐCTT tỉnh Bạc Liêu năm 2014. Các khung ảnh trên cùng là các tác giả cổ nhạc tiên phong, từ trái qua: Sư Nguyệt Chiếu, Hậu Tổ Nhạc Khị và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Ảnh: DUY KHÔI

Ban ĐCTT tỉnh Bạc Liêu năm 2014. Các khung ảnh trên cùng là các tác giả cổ nhạc tiên phong, từ trái qua: Sư Nguyệt Chiếu, Hậu Tổ Nhạc Khị và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Ảnh: DUY KHÔI

Một trong những người có công lớn trong việc mang ĐCTT vào vùng đất Nam Bộ là nhạc sư Nguyễn Quang Đợi (tức thầy Ba Đợi). Ông cũng chính là “thủ lĩnh” của nhóm tài tử miền Đông. Còn ở nhóm tài tử miền Tây Nam Bộ, nhạc sư Lê Tài Khí (tức Nhạc Khị) có công trong việc sáng tạo bài bản, định hình lối chơi tài tử bản sắc Nam Bộ. Hai ông được hậu thế tôn xưng là bậc Hậu Tổ ĐCTT Nam Bộ.

Hậu Tổ Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi)

Nhạc sư Ba Đợi tên thật là Nguyễn Quang Đại, quê ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, vốn là quan nhạc nhà Nguyễn. Năm 1885, sau cuộc binh biến, vua Hàm Nghi ra chiếu Cần Vương. Hưởng ứng, nhạc sư Nguyễn Quang Đại dong ghe bầu Nam tiến, chọn vùng đất Cần Đước, Cần Giuộc (Long An) ngày nay, để sinh sống. Tại đây, ông truyền bá nhạc cho người dân và bổ khuyết một số chỗ của nhạc lễ Nam Bộ. Ông mất vào ngày 19 tháng Giêng, nhưng không biết năm nào.

 

Ban thờ Hậu Tổ Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi) tại đình Vạn Phước, Long An. Ảnh: http://vietlandmarks.com

Ban thờ Hậu Tổ Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi) tại đình Vạn Phước, Long An. Ảnh: http://vietlandmarks.com

Vào vùng đất Nam Bộ, nhạc sư Ba Đợi ấn tượng trước ruộng vườn trù phú, người dân sống hào phóng. Nhưng nhạc lễ cung đình lại hàn lâm, khuôn mẫu, căn cơ, nhạc lý thâm sâu. Thầy Ba Đợi cố công cải biên, giản dị hóa âm nhạc, trở thành một dòng nhạc bác học mà bình dân, dễ chơi, dễ gắn kết mọi người. Thầy Ba Đợi đã sáng tác và cổ vũ mọi người cùng xây dựng thành dòng nhạc ngũ cung lòng bản.

Từ đó, thầy Ba Đợi và nhóm nhạc miền Đông Nam Bộ đã đã dày công sưu tập, sáng tác, cải biên, tổng hợp thành 20 bài bản Tổ của nghệ thuật ĐCTT, tiêu biểu cho 4 điệu: Bắc, Hạ, Nam, Oán và 4 hơi: Xuân, Ai, Đảo, Ngự. Từ những bài bản này, thế hệ đời sau, đến tận bây giờ vẫn luôn sử dụng, "thêm hoa thêm lá" và cải biên, sáng tác thêm nhiều thể điệu mới, làm phong phú thêm cho ĐCTT Nam Bộ.

20 bài bản Tổ, tựu trung có 6 điệu Bắc (Lưu Thủy Trường, Phú Lục Chấn, Bình Bán Chấn, Cổ Bản Vắn, Xuân Tình Chấn, Tây Thi Vắn), 7 điệu Hạ (Xàng Xê, Ngũ Đối Thượng, Ngũ Đối Hạ, Long Đăng, Long Ngâm, Vạn Giá, Tiểu Khúc), 3 điệu Nam (Nam Xuân, Nam Ai, Đảo Ngũ Cung) và 4 điệu Oán (Tứ Đại Oán, Phụng Hoàng Cầu - Phụng Hoàng, Giang Nam Cửu Khúc, Phụng Cầu Hoàng Duyên- Phụng Cầu).

Theo công trình “Bước đường của cải lương”, tại vùng Cần Đước, Long An, thầy Ba Đợi đã đào tạo rất nhiều thế hệ môn sinh, nổi bật có Sáu Thoàn, Nhạc Láo, Chín Chiêu, Nhạc Thời, Hai Tò Le, Cô Sáu Giỏi, Cô Bảy Lung… Từ những học trò tài hoa đó, nhiều thế hệ nghệ nhân đờn ca khác được truyền thụ, lành nghề và mang tiếng đờn lời ca đi muôn nơi, lưu truyền đời đời. Thầy Ba Đợi còn đem nhạc cung đình biến thành nhạc lễ Nam Bộ, hệ thống hóa nhạc tài tử thành 20 bài bản Tổ ĐCTT.

Theo nhạc sĩ Tấn Nhì trong bài viết “Lược khảo hình thành bài bản tài tử Nam Bộ”, thầy Ba Đợi là nhạc sư tài năng và đức hạnh, nhưng khi chết lại ở trong cảnh nghèo nàn túng thiếu, quan tài do một chiếc xe ngựa chở cá chở vào vùng mả hoang miệt Bình Đông - Rạch Cát của quận 8, TP Hồ Chí Minh để chôn cất, nay đã mồ xiêu mả lạc. Năm 1995, CLB ĐCTT quận 8, TP Hồ Chí Minh do nhạc sĩ Tấn Nhì làm chủ nhiệm, đã lập bài vị thờ nhạc sư Nguyễn Quang Đại. Bài vị do GS.TS Huỳnh Minh Đức đề bút bằng Hán tự, chữ rằng: “Phụng Vi Quá Vãng. Nguyễn Quang Đại Chi Hương Hồn. Hoàng Triều Đại Nhạc Sư. Nam Bộ Đại Nhạc Tông”. Năm 1996, bài vị được rước về thờ tại đình Vạn Phước, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước. Hằng năm, địa phương mở lễ hội 3 ngày (16, 17, 18 tháng Giêng âm lịch), tổ chức cúng tế và giao lưu ĐCTT, quy tụ nghệ nhân hầu khắp vùng Nam Bộ. Đầu năm 2021, UBND tỉnh Long An quyết định xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh đối với đình Vạn Phước.

Hậu Tổ Lê Tài Khí (Nhạc Khị)

 

Chân dung Hậu Tổ Lê Tài Khí (Nhạc Khị). Ảnh: DUY KHÔI (chụp lại)

Nhạc sư Lê Tài Khí (Nhạc Khị) sinh năm 1870, mất năm 1948, là người có công lớn trong phát triển ĐCTT miền Tây Nam Bộ nói chung, Bạc Liêu nói riêng. Tác giả Trần Phước Thuận trong “Tìm hiểu cổ nhạc Bạc Liêu” nhận định: “Có thể nói, Nhạc Khị là cây đòn bẩy cứng cáp đã tạo được sức bật ban đầu trong quá trình phát triển cổ nhạc Nam Bộ nói chung và Bạc Liêu nói riêng”.

Học giả Vương Hồng Sển trong quyển “Hồi ký 50 năm mê hát” ghi nhận: “Nếu phải kể công đầu đáng làm Hậu Tổ cải lương thì sao lại không kể ông Hai Khị ở Bạc Liêu. Ông Hai Khị đau cổ xạ, ngón tay co rút và ngo ngoe rất khó, thế mà ông có tài riêng không ai bắt chước được. Ai muốn thử tài cứ đến nhà, ban đầu ông giở mùng cho xem, chỉ thấy trống, kèn, chụp chõa trơ trơ ở trong ấy, thế rồi khách ra ngồi salon, ông Khị chun vô mùng một mình ên rồi bỗng nghe trọn bộ cổ nhạc khua động có tiết tấu nhịp nhàng y như có cả bốn năm người hòa tấu: trống xổ, kèn thổi, đờn kéo ò e, chụp chõa lùng tùng xòa, các việc đều do Nhạc Khị một mình điều khiển. Không ai biết ông làm cách nào mà được như vậy. Quả là điều vi diệu”. Trong cuốn “Bạc Liêu xưa và nay”, tác giả Huỳnh Minh thuật lại: “Nhạc sư Hai Khị tục gọi là Nhạc Khị rất mực tài hoa. Một mình Nhạc Khị sử dụng 4 món nhạc khí: đẩu, bạt, kèn, phách, tấu lên cùng một lúc, rất mực điêu luyện, ai cũng khen phục”.

Nhạc Khị quê ở thôn Láng Giài (nay thuộc huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu), có cha là một trong những ông bầu hát bội đầu tiên trong vùng. Lập gia đình, ông dời về vùng trung tâm TP Bạc Liêu ngày nay sinh sống, lập nghiệp; có 2 người con, một trai, một gái. Người con trai là Lê Văn Túc, tức thầy Ba Chột, một nhạc sĩ tài tử nổi tiếng cùng thời với nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

Ông từ nhỏ bị dị tật, mù lòa, một chân bị liệt, hai tay co rút, đi đứng khó khăn. Nhạc Khị học nhạc từ cha, sau thì tự học rồi “tầm sư học đạo”. Thiên bẩm âm nhạc giúp Nhạc Khị học rất nhanh, còn “thiên biến vạn hóa” khiến ai cũng ngỡ ngàng trước tài năng, sở trường của ông.

Theo tác giả Trần Phước Thuận, ngoài công tập hợp, hiệu đính, bổ sung và hệ thống 20 bài bản Tổ ĐCTT, Nhạc Khị còn là người đầu tiên dùng thuật ngữ “20 bài bản Tổ” và phân ra làm 4 nhóm điệu thức như đã trình bày ở phần trên. Ông còn đào tạo những học trò cổ nhạc xuất sắc, như Cao Văn Lầu, Trịnh Thiên Tư, Mộng Vân, Ba Chột, Mười Khói, Tư Bình, Hai Tài, Sáu Gáo, Trần Tấn Hưng… Trong nhận môn sinh, ông đặt ra mục tiêu không chỉ dạy đờn mà biết đờn để sáng tác. Những sáng tác của ông là tiếng lòng trước cảnh nước nhà bị xâm lược, tâm tình trước chuyện đời, chuyện người. Theo tác giả Trần Phước Thuận, từ cảm hứng này, Nhạc Khị đã cải biên bài Nam Ai cổ thành bài “Tô Huệ chức cẩm hồi văn” và từ đó rút ra đề tài “Chinh phụ vọng chinh phu”. Đây cũng là “đề bài” ông đưa ra với các học trò.

Từ đề tài này, một học trò xuất sắc của Nhạc Khị là nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã viết “Dạ cổ hoài lang” - nghe tiếng trống đêm nhớ chồng. Bài ca nhanh chóng lan xa và trở thành tiền thân của bản vọng cổ ngày nay. Cũng đề tài này, thầy Ba Chột viết “Liêu Giang”, “Tam quan nguyệt”, một số lời ca của nhạc sĩ Trịnh Thiên Tư như “Chinh phụ thán”, “Sầu chinh phụ”, “Đưa chồng ra mặt trận”…

Nhạc sư Hai Khị còn sáng tác rất nhiều bản tài tử, được lưu truyền và sử dụng phổ biến đến hôm nay, nổi bật là “Ngự giá đăng lâu”, “Ái tử kê”, “Minh Hoàng thưởng nguyệt” và “Phò mã giao duyên”, được gọi là “Tứ Bửu”.

Cần Thơ sắp đăng cai Liên hoan ĐCTT quốc gia lần thứ III - năm 2022, đôi dòng nhắc nhớ lại công đức tiền nhân đã dày công bồi đắp cho nền cổ nhạc Nam Bộ. Đó cũng là nền tảng để thế hệ tài tử, nghệ nhân hôm nay viết tiếp những trang sử mới cho ĐCTT Nam Bộ.

ĐĂNG HUỲNH

Logo

BE THE FIRST TO KNOW

Subscribe to the Porto eCommerce newsletter to receive timely updates from your favorite products.